TP.HCM: Nâng tầm sản phẩm du lịch y tế

VHO - Theo dự báo của Tổ chức Du lịch Thế giới, du lịch y tế sẽ phát triển mạnh trong tương lai, cùng với các loại hình du lịch có trách nhiệm, du lịch sinh thái, cộng đồng, du lịch thông minh và du lịch sáng tạo. Dẫn đầu các nước trong khu vực ASEAN về du lịch y tế phải nói đến Thái Lan, thời điểm trước dịch Covid-19, quốc gia này thu hút khoảng 3,4 triệu khách du lịch y tế đến từ châu Á.

TP.HCM: Nâng tầm sản phẩm du lịch y tế - Anh 1
 

 Du khách trải nghiệm sản phẩm du lịch y tế tại TP.HCM

Tại Việt Nam, với ưu thế là trung tâm kinh tế, xã hội, văn hóa sôi động của cả nước, TP.HCM có nhiều tiềm năng để xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch y tế ngang tầm khu vực. Theo Sở Du lịch TP.HCM, với sự phát triển ứng dụng công nghệ cao, chuyên sâu trong khám và điều trị, đặc biệt là sự sáng tạo trong xây dựng các chương trình tour kết hợp thăm khám sức khỏe, chữa bệnh với tham quan TP.HCM và các địa phương lân cận… là những chất liệu đa dạng để TP.HCM nỗ lực xây dựng du lịch y tế thật sự trở thành sản phẩm du lịch tiềm năng và đặt mục tiêu mang thương hiệu tầm khu vực vào năm 2030.

Đại diện Sở Du lịch TP.HCM cho biết, trong năm 2023 TP.HCM đã công bố gần 50 sản phẩm du lịch với 20 sản phẩm du lịch mới lạ, hấp dẫn và đặc sắc dành cho nhiều phân khúc khách du lịch trung và cao cấp. Riêng lĩnh vực du lịch y tế đã ghi nhận sự khởi sắc với việc công bố 30 combo chương trình tour kết hợp du lịch y tế, chăm sóc sức khỏe phù hợp với thị trường khách nội địa và quốc tế. Cẩm nang du lịch y tế cũng được cập nhật, bổ sung và điều chỉnh bằng 6 thứ tiếng với nội dung ngắn gọn, rõ ràng để du khách dễ hiểu và tiếp cận. Nổi bật là hoạt động xúc tiến, quảng bá sản phẩm du lịch y tế để thu hút khách du lịch tại thị trường Campuchia và khảo sát, học tập kinh nghiệm phát triển các mô hình du lịch y tế tại Thái Lan.

Đối với TP.HCM, việc phát triển và nâng tầm thương hiệu du lịch cho trung tâm kinh tế sôi động nhất của cả nước không chỉ phù hợp với xu hướng phát triển chung của du lịch thế giới, mà còn góp phần đa dạng hóa sản phẩm, đáp ứng nhu cầu trải nghiệm ngày càng phong phú của du khách, gia tăng sức hấp dẫn điểm đến của TP.HCM để thúc đẩy tăng trưởng lượng du khách trong nước và quốc tế. Thời điểm trước dịch Covid-19, du lịch y tế mang về doanh thu cho ngành du lịch Thành phố khoảng 2 tỉ USD mỗi năm.

Bà Bùi Thị Ngọc Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM chia sẻ, sản phẩm du lịch y tế của Thành phố vẫn còn tồn tại nhiều trăn trở, khó khăn và có một số bất cập cần cải thiện như thiếu nguồn nhân lực thông thạo các ngôn ngữ về chuyên ngành y tế, công tác quảng bá xúc tiến sản phẩm du lịch y tế chưa chuyên nghiệp, hầu hết các bệnh viện tại Thành phố chưa có các chứng chỉ quốc tế để bệnh nhân nước ngoài sử dụng bảo hiểm toàn cầu, chưa có sự gắn kết chặt chẽ giữa cơ sở y tế, doanh nghiệp lữ hành, khách sạn để hình thành một chuỗi sản phẩm hoàn chỉnh.

Bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết, định hướng phát triển ngành y tế Thành phố đã đề ra 7 nhóm giải pháp đưa TP.HCM sớm trở thành trung tâm chăm sóc sức khỏe của khu vực ASEAN. Trong đó có giải pháp phát triển y học hiện đại và y học cổ truyền đáp ứng phát triển du lịch y tế, chú trọng xây dựng và cung cấp dịch vụ có chất lượng nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng về du lịch chăm sóc sức khỏe. Về lâu dài, TP.HCM xây dựng đề án phát triển du lịch y tế đến năm 2023, tầm nhìn 2045.

Ông Nguyễn Minh Mẫn, Giám đốc Truyền thông - Marketing Công ty TSTtourist nhìn nhận, trong bối cảnh cạnh tranh quốc tế khá mạnh mẽ, nhiều quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Singapore… bên cạnh phát triển loại hình du lịch truyền thống, họ đã thúc đẩy chiến dịch thu hút du khách thông qua du lịch sức khỏe, du lịch y tế… trở thành một trong những loại hình sản phẩm du lịch đặc thù, thu hút số đông du khách có năng lực tài chính tốt tìm đến, trong đó có du khách Việt Nam.

Theo ông Mẫn, để khai thác lợi thế và từng bước xây dựng du lịch y tế trở thành sản phẩm du đặc thù trong tương lai gần, ngành du lịch TP.HCM và các doanh nghiệp lữ hành, cơ sở y tế công lập và ngoài công lập cần đẩy mạnh liên kết thực chất trong đánh giá nhu cầu khách hàng, hạn chế tồn tại và đề ra những giải pháp khả thi, vừa tạo hướng đi riêng phù hợp xu hướng nhu cầu của khu vực và thế giới, vừa tập trung phát triển hạ tầng và cơ sở phụ trợ tương ứng với quy mô phát triển, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trong đó có ngoại ngữ để nâng cao khả năng hỗ trợ khách hàng. Bên cạnh đó, tập trung đào tạo kiến thức chuyên ngành cho đội ngũ làm du lịch, tăng cường xúc tiến quảng bá thường xuyên để xây dựng hình ảnh thương hiệu du lịch y tế của Thành phố.

Đại diện Công ty Du lịch Vietravel chia sẻ, Việt Nam có nhiều tiềm năng trong phát triển du lịch y tế, tuy nhiên việc khai thác loại hình này chưa thật sự hiệu quả, đa phần doanh nghiệp du lịch chỉ mới tập trung vào mảng dễ tiếp cận nhất là cải thiện sức khỏe tinh thần cho du khách bằng những liệu pháp vận động hay massage, nghỉ dưỡng gần thiên nhiên… Còn những loại hình chuyên sâu hơn thì vẫn chưa tiếp cận được. Vì thế, cần đẩy mạnh truyền thông về tính vượt trội của ngành y tế trong nước, đảm bảo tính thuận tiện trong tiếp cận sản phẩm du lịch y tế; đa dạng hóa sản phẩm từ chữa lành tâm trí, làm đẹp không xâm lấn đến phẫu thuật thẩm mỹ, kha khoa, khám chữa bệnh cơ xương khớp… Đặc biệt là đưa liệu pháp chữa lành Á Đông đến gần hơn với du khách quốc tế để tạo niềm tin cho khách du lịch. 

 HOÀNG HẢI

 

Ý kiến bạn đọc